Cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN đạt giải Nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia-2023 với Dự án “AWT-Carbon”
22/02/2024
Nguyễn Quốc Vương, cựu sinh viên (SV) Khoa Hóa-Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) là người sáng lập Dự án “AWT-Carbon” nuôi trồng tảo tạo sinh khối, làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa xuất sắc đạt giải Nhất "Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia" năm 2023.
Cựu SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
Nguyễn Quốc Vương với Giải Nhất Chương trình
Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia-2023
Cựu SV Nguyễn Quốc Vương cho biết, mô hình của dự án là nuôi trồng tảo trong các ao, hồ để tạo ra sinh khối, từ đó tảo sẽ được vận chuyển về các nhà máy tạo ra thức ăn chăn nuôi. Nguồn doanh thu của Dự án đến từ các hợp đồng xử lý nước, bán sinh khối tảo đến các nhà máy, chuyển giao công nghệ và bán ra tín chỉ các bon.
Chia sẻ hành trình đến với Dự án, Anh Vương cho biết, cơ duyên bắt đầu từ niềm đam mê Hóa học. Khi trở thành SV Khoa Hóa-Trường ĐH Bách Khoa-ĐHĐN, Quốc Vương có cơ hội tham gia sâu hơn những nghiên cứu ứng dụng của Tảo. Năm 2019, Dự án đầu tiên của SV Quốc Vương khi đó là nuôi Tảo trong hầm Biogas để tạo dầu Diesel. Do kết quả không như mong đợi nên tạm khép lại Dự án để tìm hướng đi mới.
“Rút kinh nghiệm từ nghiên cứu trước, tôi bắt tay vào nghiên cứu các ứng dụng của Tảo để giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội, tạo nên các giá trị bền vững hơn. Sau một thời gian ngắn, nhận thấy tiềm năng lớn của việc nuôi trồng Vi tảo xử lý nước thải thủy sản vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa có thể thu sinh khối tảo tạo thêm nhiều nguồn thu phụ khác. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế Kinh tế xanh”, Anh Vương chia sẻ.
Từ đó, Anh Vương dành toàn bộ thời gian cho các thí nghiệm với Vi tảo. Mỗi lần hoàn thành một thí nghiệm, anh gửi các mẫu đến các trung tâm kiểm định để phân tích các ưu - nhược điểm. Suốt hai năm từ thử nghiệm nuôi trồng trong nhà, ngoài trời cho đến các môi trường ô nhiễm khác nhau… chàng SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học và tự tin đăng ký Bằng sáng chế. Kinh phí nghiên cứu ước khoảng 1,5 tỷ đồng, Anh Vương cho biết.
Quy trình sản xuất nuôi trồng tảo
tạo ra sinh khối, xử lý nước, đồng thời
tạo thêm nguồn làm thức ăn chăn nuôi
Dự án ban đầu thành công được hơn nửa mục tiêu, phần còn lại là tiếp tục nghiên cứu, sử dụng sinh khối để tạo ra sản phẩm cuối cùng, thành chu trình khép kín.
Năm 2022, Quốc Vương đã thành lập Công ty Tư vấn và Phát triển Công nghệ xanh Việt Nam (trụ sở đặt tại thành phố Đà Nẵng) nhằm phát triển Công nghệ điện phân trong thu hồi tảo để nước thải ra môi trường đạt chuẩn loại A và sử dụng được sinh khối làm thức ăn cho chăn nuôi.
Đề tài này đã được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, đồng hành cùng triển khai, sau đó, một doanh nghiệp chăn nuôi gà hữu cơ ở Bến Tre tiếp tục đề xuất hợp tác, triển khai xây dựng dây chuyền đáp ứng nhu cầu chăn nuôi (khoảng 100 tấn thức ăn/tháng).
Nền tảng kiến thức từ giảng đường kết hợp
với say mê sáng tạo, trải nghiệm thực tiễn
là kinh nghiệm để đi đến thành công
Tiếp đà thành công, Anh Vương cùng cộng sự mở rộng, triển khai, áp dụng công nghệ này đến nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Phú Yên, Cần Thơ, Bến Tre… Dự kiến, doanh thu năm 2024 của công ty có thể đạt khoảng 10 - 15 tỷ đồng.
“Tôi luôn muốn đóng góp công sức và công nghệ mới để phát triển quê nhà và kiến tạo Kinh tế xanh. Rất mong được thêm sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền các cấp, nhất là việc cho thuê lại các diện tích ao, hồ, sông, suối để mở rộng Dự án”, cựu SV Nguyễn Quốc Vương bày tỏ.
Nguyễn Quốc Vương trăn trở với nghiên cứu,
ứng dụng phát triển Kinh tế xanh bền vững
Giải Nhất của một Cuộc thi uy tín tầm vóc quốc gia như Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia-2023 với một kỹ sư trẻ trong độ tuổi 24 như Nguyễn Quốc Vương thực sự là nguồn động viên, khích lệ, truyền cảm hứng hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong SV/cựu SV và cộng đồng.
Khi được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng vững vàng từ giảng đường cộng hưởng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn học hỏi để bắt kịp xu thế công nghệ mới, thành quả này sẽ đem lại thêm nhiều giá trị tốt đẹp cùng dấn thân, khởi nghiệp phục vụ vì lợi ích cộng đồng và góp phần phát triển “kinh tế xanh” cho quê hương.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
(Theo Báo Quảng Nam)
Kính mời xem các tin khác:
Sinh viên Đại học Đà Nẵng có nhiều ý tưởng, dự án, sản phẩm khởi nghiệp Nông nghiệp xanh bền vững
Sinh viên Đại học Đà Nẵng với những sáng tạo “chạm đến trái tim”
Sinh viên Đại học Đà Nẵng Top NEXGen-2023: Vì tương lai "năng lượng xanh" bền vững