Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích của Đại học Đà Nẵng được chuyển giao phục vụ cộng đồng phòng chống Covid-19

28/04/2020

Nhằm chung tay cùng toàn xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19, giảng viên, sinh viên các trường đại học (ĐH) thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh) đã nghiên cứu, sáng chế nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích và đã chuyển giao phục vụ cộng đồng phòng chống Covid-19 như: Máy đo thân nhiệt từ xa, Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ khu cách ly, Máy rửa tay sát khuẩn tự động, Robot diệt khuẩn bằng tia UV, Buồng khử khuẩn tự động… thể hiện trách nhiệm xã hội cao đẹp. 

Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN chuyển giao Robot cho Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng

Đến nay, đã có 03 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã chế tạo, chuyển giao ứng dụng thực tế máy rửa tay sát khuẩn tự động gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật. Đặc điểm chung là máy có cấu tạo đơn giản gồm: hệ thống cảm biến, vòi phun và bình đựng dung dịch nước sát khuẩn. Để lấy dung dịch sát khuẩn, người dùng chỉ cần đưa lòng bàn tay vào dưới vòi phun (không tiếp xúc thiết bị), hệ thống cảm biến tự động được kích hoạt sẽ phun một lượng dung dịch vừa đủ vào tay người cần rửa. Tuy nhiên, sản phẩm của mỗi trường vẫn có sự khác biệt về kích thước, mẫu mã như sản phẩm máy rửa tay sát khuẩn tự động của nhóm “BK Maker” gồm: 4 sinh viên  Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Đắc Quy, Phan Ben và Phan Thị Mai dưới sự hướng dẫn của TS Ngô Đình Thanh, giảng viên Khoa Điện -Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng phối hợp với bác sĩ Phan Hữu Phước, Bệnh viện Đà Nẵng, có nhiều tính năng ưu việt, kích thước nhỏ, gọn, dễ sử dụng… 

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã và đang hỗ trợ cùng với Bệnh viện Đà Nẵng chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cụ thể, ngoài máy mẫu bệnh viện đặt hàng, nhà trường đã tặng 10 máy đặt tại các khu vực đông người của Bệnh viện Đà Nẵng; đồng thời, nhà trường sẽ huy động thêm các nguồn tài trợ để hỗ trợ thêm chi phí sản xuất và gia tăng số lượng máy để nhiều đơn vị có thể tiếp cận và sử dụng sản phẩm hữu ích này.

Nhóm BK Marker Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN bàn giao máy rửa tay sát khuẩn cho Bệnh viện Đà Nẵng

Trong khi đó, sản phẩm máy rửa tay sát khuẩn tự động được nghiên cứu, chế tạo bởi nhóm giảng viên, sinh viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, có dung tích lên đến 10 lít (chứa được dung dịch sát khuẩn có thể phục vụ khoảng 2.000 lượt người sử dụng). Tương tự, máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm nghiên cứu-giảng dạy (TRT) Khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng, có dung tích lên đến 20 lít… Các sản phẩm này  đều đã được đưa vào sử dụng tại đơn vị và trong cộng đồng.

Ưu điểm nổi bật của thiết bị là tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người sử dụng và máy giúp phòng tránh lây nhiễm Covid-19; giá thành thấp; tiết kiệm dung dịch sát khuẩn (lượng dung dịch do máy cung cấp ít hơn khi sử dụng bằng tay). Theo Kỹ sư Trịnh Ngọc Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, máy được thiết kế, chế tạo máy gọn, nhẹ, dễ di chuyển, chi phí thấp, thuận tiện bố trí tại những địa điểm công cộng. Ngoài ra, nhờ dung dịch nước sát khuẩn do các giảng viên và sinh viên của trường sản xuất nên cũng góp phần tiết kiệm chi phí khi sử dụng sản phẩm này. 

Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN tặng máy rửa tay sát khuẩn cho Chợ Cồn (1/5 chợ được tặng) 

PGS.TS.Lưu Trang, Hiệu trưởng và nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng cũng đã đến tận nơi trao tặng, hướng dẫn sử dụng máy rửa tay sát khuẩn tự động cho 05 chợ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bao gồm: Chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường. “Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, cải tiến sản phẩm hữu ích này. Nhà trường cũng sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để chuyển giao, mở rộng thêm các địa chỉ ứng dụng tại các trường học, bệnh viện và địa điểm công cộng khác có nhu cầu trên địa bàn thành phố”,PGS.TS. Lưu Trang chia sẻ.

Khoa Cơ khí,Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN chế tạo Robot khử khuẩn bằng tia UV

Nhóm nghiên cứu Khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng cũng vừa nghiên cứu, chế tạo thành công Robot khử khuẩn, tiêu độc bằng tia UV (tia cực tím). Robot diêt khuẩn UV có thể được sử dụng diệt khuẩn tại bệnh viện, khu vực cách ly, phòng mổ, phòng học tại các trường Đại học nhằm thay thế con người, tránh nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh, hỗ trợ tốt cho công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm; đặc biệt là Covid-19. Với công suất thiết kế hệ thống đèn UV, Robot có thể diệt khuẩn 99% trong thời gian 30 giây với bán kính từ 1-2.5m tuỳ thuộc vào chủng loại virus. Robot này có thể len lỏi vào các ngóc ngách để khử trùng, sát khuẩn, sử dụng tia UV để khử trùng nên rất ít độc hại. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng đến những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, không chỉ trong mùa dịch Covid-19, môi trường xung quanh chúng ta cũng luôn tiềm ẩn dịch bệnh do muỗi, côn trùng gây ra nên việc chế tạo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm nhiều hơn nữa”, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng cho biết. Nhà trường cũng đã lắp đặt máy rửa tay sát khuẩn tự động hiện phục vụ cán bộ, giảng viên và sinh viên rửa tay sát khuẩn Covid-19 ngay trong khuôn viên trường, đồng thời sẽ tiếp tục chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu. 

Buồng khử khuẩn do VNUK nghiên cứu chế tạo 

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VNUK) – ĐH Đà Nẵng cũng vừa mới hợp tác với Công ty TNHH MTV Khoa học và Công nghệ Năng lượng xanh phát triển chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân với mong muốn sản phẩm sẽ được sử dụng hiệu quả và rộng rãi nhằm giảm bớt nguy cơ lây lan của dịch bệnh. “Để khử khuẩn trong diện rộng và nhanh chóng thì cần cân bằng giữa tác dụng diệt khuẩn với giảm thiểu tối đa ảnh hưởng lên sức khoẻ con người.” TS. Đặng Đức Long-Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế VNUK, giảng viên Khoa học Y Sinh chia sẻ.

Theo VNUK, buồng khử khuẩn đã nhận được Chứng nhận kỹ thuật của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đạt khả năng kháng khuẩn là 70- 85%. Tuy nhiên, thời gian đi qua buồng khử khuẩn hạn chế trong vòng 5 giây để giảm thiểu tối đa tác động lên cơ thể con người. Đặc biệt, thiết bị này dễ lắp ráp, không chiếm nhiều diện tích nên thuận tiện cho những địa điểm đông người tập trung như: Cơ quan, trường học, bệnh viện…

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN tổng hợp 

 

In
8356 Đánh giá bài viết:
5.0

BÀI VIẾT MỚI